2015/05/08

couch mode print story

Bến Ninh Kiều Xưa Và Nay


“ Cần Thơ có bến Ninh Kiều; Có dòng sông đẹp có nhiều giai nhân”

Chắc hẳn khi về đến Cần Thơ ai ai cũng đều nghe qua câu thơ trên.

Bến Ninh Kiều Xưa

Bến Ninh Kiều là một địa danh du lịch có từ lâu và hấp dẫn du khách bởi phong cảnh sông nước hữu tình và vị trí thuận lợi nhìn ra dòng sông Hậu. Từ lâu bến Ninh Kiều đã trở thành biểu tượng về nét đẹp thơ mộng bên bờ sông Hậu của cả Thành phố Cần Thơ, thu hút nhiều du khách đến tham quan và đi vào thơ ca.
ben ninh kieu xua



Chưa có tài liệu lịch sử ghi rõ việc hình thành của bến Ninh Kiều, nhưng theo một số nhà nghiên cứu thì đã có giai thoại hình thành địa danh này từ thời Gia Long của nhà Nguyễn và Bến Ninh Kiều xưa vốn là một bến sông ở đầu chợ Cần Thơ.


Theo đó từ khi chưa lên ngôi vua, Nguyễn Ánh vào miền Nam. Một hôm, đoàn thuyền của ông đi theo sông Hậu vào địa phận thủ phủ Trấn Giang (tức Cần Thơ xưa). Lúc đêm vừa xuống thì đoàn thuyền cũng vừa đến vàm sông tức Bến ninh kiều ngày nay. Giữa đêm có vọng lại nhiều câu ngâm thơ, hò hát, tiếng đàn, tiếng sáo. Ông này khen vì một cảnh quan sông nước hữu tình và đặt tên cho con sông là Cầm Thi giang.



Từ năm 1876, quân đội Pháp đến chiếm Trấn Giang của triều Nguyễn và thành lập Tòa Bố chính tại Cần Thơ do đại úy Nicolai làm Chính tham biện. Bến Cần Thơ được chỉnh trang đá xây gạch để ngăn sóng dọc theo bờ sông. Lúc này nó chỉ là bến ghe, bến tàu của xứ lục tỉnh do các tàu bè chạy khắp miền Hậu Giang đều ghé bến ở đây mà vận chuyển hàng hóa, đưa rước khách. Lúc này Ninh Kiều tấp nập thuyền bè qua lại giao thương, hàng cây dương chắn gió ven bờ đã trở thành tên gọi của bến sông. Việc giao thương mỗi ngày thêm phồn thịnh, bến Hàng Dương do đó cũng được mở rộng và sửa sang, rồi dần dần trở thành thắng cảnh du lịch của đất Tây Đô.



Bến nước này được người Pháp đặt tên là Quai de Commerce (tiếng Việt là: bến thương mại). Người dân ở bến thường gọi bằng cái tên dân dã là bến Hàng Dương vì dọc bờ sông có hàng cây dương hay nhân dân còn gọi tên khác là bến Lê Lợi vì con đường dọc theo mé sông trước đây có tên là đường Lê Lợi.



Vào khoảng năm 1957 dưới thời Việt Nam Cộng Hòa (thời Đệ nhất Cộng hòa), bến hàng dương đã đổi thành bến Ninh Kiều gắn với việc ông Đỗ Văn Chước – Tỉnh trưởng Phong Dinh (tên gọi khác của Cần Thơ). Ông ta cho lập nơi bến sông này một công viên cây kiểng và bến dạo mát theo đề xuất của ông Ngô Văn Tâm, Trưởng ty Nông Nghiệp, đồng thời phụ trách đoàn Thanh Niên 4T (Khuyến Nông).

ben ninh kieu xua va nay



Sau đó Đỗ Văn Chước trình lên Ngô Đình Diệm đặt tên công viên và bến là Ninh Kiều dựa vào một sự kiện trong lịch sử Việt Nam và lấy tên một địa danh lịch sử chiến thắng quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi chỉ huy. Ngày 4 tháng 8 năm 1958, Bộ Trưởng Nội Vụ thời Đệ nhất Cộng Hoà là ông Lâm Lễ Trinh từ Sài Gòn xuống Cần Thơ dự lễ cắt băng khánh thành, đọc Nghị định đặt tên công viên và bến Ninh Kiều.

Ngày nay, ở Ninh kiều đêm là lúc vui nhất


Đêm trên bến, đèn sáng dọc bờ sông, thứ ánh sáng ấy lấn áp cả ánh sáng của tàu bè đến nỗi trên sông chỉ còn lại màu đen như màu cà phê đặc. Xa xa, có tiếng nói cười, tiếng rao bán và cả tiếng tâm tình nhỏ nhỏ của những đôi tình nhân.

ben ninh kieu luc ve dem la dep nhat



Có ai đó đang ca điệu buồn phương Nam trên chiếc du thuyền còn lại trên sông. Người bán vé ở khu vực bán vé tàu du lịch Ninh Kiều 1 rút ra tập vé chỉ còn cùi, anh lắc đầu “Đêm nay hết vé coi hát trên sông. Có đi xem chợ nổi vào sáng mai thì anh bán, giá cũng như coi hát, 30.000 thôi”. Ở gần đó có giọng mấy chị chèo ghe “có ai đi chơi sông hậu không?”.

Mùi của mực nướng, bánh tráng nướng từ phía ngoài công viên Ninh Kiều phảng phất vào tận trong bến.

Bên ngoài bến, đèn sáng rực rỡ. Cứ cách 100m lại có dãy phố chạy dài, có điều lạ là mỗi dãy bán một mặt hàng khác nhau, có phố bán quần áo, phố đồ ăn chay, lại có phố chỉ bán trái cây.

Gần 10 giờ đêm, du thuyền về bờ, một vài người khách còn tiếc chưa được nghe bài vọng cổ mà mình yêu thích, một nghệ sĩ đọc bài thơ tiễn biệt khách.

ben ninh kieu khi ve dem

--Sưu tầm--




0 nhận xét:

Post a Comment